Vận đơn đích danh - STRAIGHT B/L
Bản tiếng Anh bài viết này đã được đăng trên LCM Trade Services Update Volume 13, Issue 3/4 May-August 2011. Dưới đây là bản tiếng Việt đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 18 9/2011 của tác giả Nguyễn Hữu Đức. Tuy nhiên bài viết có chỉnh sửa 1 chút ít về thuật ngữ để dễ hiểu hơn
Trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp số ra ngày 25/2/2009 LS Võ Nhật Thăng, Trọng tài viên VIAC, có đăng bài viết “Phán quyết lạ thường về vận đơn” cho rằng phán quyết của Tòa Sơ thẩm (Việt Nam) đối với vụ tranh chấp giữa SH (người gửi hàng) và TK (công ty giao nhận/người vận chuyển) liên quan đến trả hàng theo vận đơn đích danh là “lạ thường” và trái ngược với pháp luật của Việt Nam cũng như thông lệ hàng hải quốc tế.
Người viết bài này đã có cơ hội chia sẻ quan điểm của LS Thăng trên LCM Trade Services Update Volume 13, Issue 3/4, May– August 2011 và đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau của các chuyên gia quốc tế và đây cũng là cở sở để người viết thực hiện bài viết này.
TÓM TẮT TRANH CHẤP
(Tên đầy đủ của các bên liên quan đã được thay đổi)
Cuối năm 2006, Công ty SH Việt Nam (SH) ký hợp động bán một container gồm 2.970 túi xách và balô cho Công ty EPE Australia (EPE) theo giá FOB TP HCM 87.035 USD. Hợp đồng mua bán đơn giản chỉ có một trang, không đề cập khi nào quyền sở hữu lô hàng chuyển từ người bán sang người mua.
Sau khi ký hợp đồng mua bán, EPE uỷ thác Công ty Giao nhận Vận tải TK Việt Nam (TK Logistics) thuê tàu chở hàng từ TP HCM đến Sydney. TK Logistics ký hợp đồng lưu cước với người vận chuyển Mitsui O.S.K Lines (MOL).
Ngày 20/12/2006 hàng được bốc lên tàu tại TP HCM, MOL cấp vận đơn chủ (Master B/L) cho TK Logistics, trên cơ sở đó TK Logistics cấp vận đơn thứ cấp (House B/L) theo mẫu FIATA cho SH với tư cách là người giao hàng. SH yêu cầu cấp vận đơn gốc. Vận đơn ghi rõ EPE (cùng với địa chỉ) là người nhận hàng đích danh ở cảng đích.
Ngày 6/1/2007 hàng đến Sydney.
Ngày 14/1/2007 MOL giao hàng cho đại lý của TK Logistics. Do EPE không đến nhận hàng, phí lưu kho, phạt lưu container lên đến 19.000 AUD.
Ngày 1/3/2007 đại lý củaTK Logistics đưa hàng vào kho ngoại quan của Hải quan Sydney để xử lý.
Ngày 14/4/2007, SH ra lệnh cho TK Logistics đưa hàng về Việt Nam nhưng TK Logistics không thực hiện với lý do hàng đã đưa vào kho ngoại quan, hơn nữa, đây là vận đơn đích danh nên SH không thể ra lệnh chở hàng về.
Ngày 14/5/2007, EPE đến kho ngoại quan nhận hàng, nhưng đại lý của TK Logistics không thu hồi vận đơn gốc.
EPE nhận hàng nhưng sau đó không thực hiện thanh toán số tiền còn lại cho SH. SH khởi kiện TK Logistics ra Tòa Sơ thẩm đòi bồi thường 1,7 tỷ đồng bao gồm trị giá FOB của lô hàng 87.035 USD và khoảng 350.000 VNĐ là phí lưu kho lưu bãi.
Tại phiên tòa lý lẽ của nguyên đơn SH
Trước Tòa, nguyên đơn (SH) cho rằng vận đơn này về hình thức có vẻ đích danh nhưng thực chất là vận đơn theo lệnh. Ô chữ “người nhận hàng” ở mặt trước chỉ là ô chữ ghi lại tên và địa chỉ chứ không có nghĩa đấy là người nhận hàng đích danh. SH đang nắm giữ bản gốc nên vẫn là chủ sở hữu lô hàng.
Nguyên đơn cho rằng cho dù là vận đơn là vận đơn đích danh nhưng vẫn có thể chuyển nhượng được vì Điều 3.1 mặt sau ghi rằng “Vận đơn này được ký phát theo hình thức có thể chuyển nhượng được trừ khi nó được ghi không thể chuyển nhượng được” (This FBL is issued in a negotiable form unless it is marked “non-negotiable).
Nguyên đơn cũng cho rằng hợp đồng mua bán của họ là hợp đồng có giá FOB TP HCM 87.035 USD chứ không phải là hợp đồng giao hàng theo điều kiện FOB Incoterms 2000. Vì vậy họ vẫn có quyền khởi kiện người vận chuyển để đòi bồi thường.
Lý lẽ của bị đơn TK Logistics
Bị đơn (TK) khẳng định SH đã ký hợp đồng mua bán quá sơ sài và lỏng lẻo với công ty ma thì phải tự gánh lấy hậu quả (Tại phiên tòa, TK thông báo theo website đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ Australia www.abr.business.gov.au, không có công ty nào có tên là EPE với mã số ABN2912062554-NSW 2020).
Mặt khác, bị đơn theo Điều 62 Luật Thương mại VN, do hợp đồng mua bán không quy định về việc khi nào quyền sở hữu về lô hàng chuyển từ người bán sang người mua nên quyền sở hữu lô hàng này đã chuyển sang người mua kể từ ngày 20/12/2006, (tức ngày giao hàng ở TP HCM).
Ngoài ra, bị đơn còn khẳng định rằng vận đơn do họ cấp “Ghi rõ tên người nhận hàng gọi là vận đơn đích danh” như Điều 86, khoản 1, Mục a Bộ Luật Hàng Hải Việt Nam quy định. Đã là vận đơn đích danh thì không chuyển nhượng được và người nhận hàng có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp và phù hợp với quy định trong Incoterms 2000, chỉ có họ mới có quyền khởi kiện người vận chuyển nếu thiệt hại thực tế xảy ra do lỗi của người vận chuyển.
Bị đơn cũng yêu cầu Tòa tham khảo án lệ liên quan đến quyền khởi kiện của người gửi hàng theo vận đơn đích danh mà Tòa án Nhân dân và Tòa án Phúc thẩm Tối cao xét xử năm 2004 -2005. Cả hai tòa đều căn cứ theo Bộ Luật Hàng hải Việt Nam để cho rằng vận đơn đích danh là vận đơn không được chuyển nhượng và chỉ người có tên ghi trên vận đơn là người nhận hàng hợp pháp, và chỉ người nhận hàng mới có quyền khởi kiện người vận chuyển.
Phán quyết của Tòa Sơ thẩm
1. Căn cứ vào Điều 3.1 mặt trước của vận đơn (Toà đã nhầm lẫn, thực tế là mặt sau của vận đơn), vận đơn này không phải là vận đơn đích danh mà thực chất là vận đơn theo lệnh.
2. Toà cho rằng các chứng từ Hợp đồng mua bán, Hoá đơn thương mại, Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu của lô hàng này không thể hiện rõ điều kiện giao hàng FOB.
3. TK phải bồi thường cho SH 57.000 USD (sau khi đã trừ đi phần không ăn khớp giữa hợp đồng mua bán, hoá đơn thương mại, tờ khai thương mại, tờ khai hải quan hàng xuất khẩu và số lượng hàng trên vận đơn).
Bình luận của LS Võ Nhật Thăng.
LS Thăng cho rằng phán quyết trên của toà án này đã đi ngược lại thông lệ hàng hải và thương mại quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam và luật pháp Australia (nơi hàng đến).
LS thăng cho rằng có lẽ trong lịch sử phát triển hơn 300 năm của ngành hàng hải thế giới lần đầu tiên có một toà án lại căn cứ vào mặt sau (toà nhầm lẫn gọi là mặt trước) để phán quyết một vận đơn là đích danh hay theo lệnh.
Bản thân Toà nói rằng Hợp đồng thương mại, Hoá đơn thương mại, Tờ khai hàng xuất khẩu không thể hiện rõ điều kiện giao hàng FOB, trong khi đó Hợp đồng mua bán ghi rõ: “Giá hàng FOB thành phố Hồ Chí Minh 87.035USD” và Hoá đơn thương mại cũng ghi rõ: “Giá FOB thành phố Hồ Chí Minh 87.035 USD, đồng thời Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu lô hàng này đề ngày 18/12/2006 ở ô số 20 ghi rõ: “Điều kiện giao hàng: FOB”. Đây không phải là hợp đồng giao hàng theo điều kiện FOB thì nó là hợp đồng giao hàng theo điều kiện gì?”.
Kết luận bài viết LS Thăng cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá theo Incoterms 2000 (nay là Incoterms 2010) ra nước ngoài, nhất là thị trường Anh, Mỹ, Australia, Ấn Độ… nên sử dụng vận đơn theo lệnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, hết sức tránh dùng vận đơn đích danh, nhất là khi xuất hàng sang các thị trường áp dụng luật án lệ như những nước nói trên.
PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN.
Trong bài viết này, người viết căn cứ các quy định tại Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2005 (BLHHVN) và thông lệ hàng hải quốc tế để xem xét quyết định của Tòa Sơ thẩm có phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ hàng hải quốc tế hay không.
Vận đơn đích danh là gì? Vận đơn đích danh có phải là chứng từ sở hữu hàng hóa? Người nhận hàng đích danh có phải xuất trình vận đơn gốc cho nhà chuyên chở?
Trong vận chuyển đường biển quốc tế có hai loại vận đơn phổ biến được biết đến, đó là vận đơn theo lệnh (to order bill of lading) và vận đơn đích danh (straight bill of lading).
Vận đơn theo lệnh là chứng từ sở hữu hàng hóa (document of title) được lập theo lệnh ký hậu để trống (to order blank endorsed) hoặc theo lệnh của một bên được chỉ định, ví dụ, theo lệnh của Công ty ABC (to the order of ABC Company. Vận đơn theo lệnh cho phép người cầm giữ vận đơn (trung thực) hoặc người mà vận đơn được lập theo lệnh của người đó có thể chuyển nhượng quyền nhận hàng cho một người bất kỳ bằng cách chuyển giao vận đơn gốc đã được ký hậu hợp thức (duly endorsed). Khi nhận hàng người cầm giữ vận đơn theo lệnh phải xuất trình vận đơn gốc đã được ký hậu hợp thức cho người vận chuyển.
Vận đơn đích danh khác với vận đơn theo lệnh ở chỗ nó ghi rõ tên tên người nhận hàng ở ô người nhận hàng (consignee box). Đa số vẫn thường tin rằng vận đơn đích danh được cho không phải là chứng từ sở hữu hàng hóa và không được chuyển nhượng và rằng người nhận hàng nêu đích danh trên vận đơn có thể nhận hàng mà không phải xuất trình vận đơn gốc miễn là anh ta có thể chứng minh rằng mình chính là người nhận hàng theo vận đơn.
Thực tế cho thấy điều này chỉ đúng với luật Mỹ và một số quốc gia áp dụng luật Mỹ. Theo đó vận đơn đích danh được xem như giấy gửi hàng bằng đường biển không được chuyển nhượng (non-negotiable sea waybill) và nhà chuyên chở có quyền trả hàng cho người nhận hàng nêu đích danh trên vận đơn mà không yêu cầu xuất trình vận đơn gốc. Tuy nhiên, tập quán này lại không đúng với luật pháp của các nước khác như Anh, Canada, Singapore, Pháp, các quốc gia trên bán đảo Scandinavia (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan) và các quốc gia thành viên Quy tắc Hague-Visby …. nơi vẫn xem vận đơn đích danh tương tự như chứng từ sở hữu hàng hóa và người nhận hàng phải xuất trình vận đơn (cho dù là vận đơn theo lệnh hay vận đơn đích danh) cho người vận chuyển để nhận hàng.
Năm 2002 Tòa Phúc thẩm Singapore xử vụ tranh chấp APL Co Pte v Voss Peer (APL Co Pte v Voss Peer [2002] SRL 481; [2002] SGCA 41) đã ra phán quyết rằng việc xuất trình vận đơn gốc là cần thiết ngay cả khi vận đơn đích danh được sử dụng.
Sự việc như sau:
Voss, một doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở Đức, ký hợp đồng bán một chiếc Mercedes Benz cho một công ty ở Hàn Quốc là Seohwan Trading Co., Ltd (Seohwan). Theo hợp đồng Seohwan đã trả trước một phần tiền hàng, số còn lại sẽ thanh toán sau khi nhận hàng. Voss thuê APL (người vận chuyển) vận chuyển hàng từ Hamburg đến Busan. Vận đơn do APL phát hành ghi rõ Seohwan là người nhận hàng đích danh. Bộ vận đơn gốc do Voss nắm giữ. Sau khi hàng đến cảng APL trả hàng cho Seohwan mà không yêu cầu xuất trình vận đơn gốc.
Do Seohwan không thanh toán số tiền còn lại của hợp đồng, Voss quay sang đòi APL thanh toán số tiền còn lại. Nhưng APL bác bỏ yêu cầu đòi tiền của Voss, cho rằng vận đơn đích danh cũng tương tự như giấy gửi hàng đường biển (tức là, không yêu cầu phải xuất trình khi trả hàng) nên họ được quyền trả hàng cho Seohwan mà không cần phải yêu cầu xuất trình vận đơn gốc.
Voss khởi kiện APL ra Tòa Sơ thẩm Singapore để đòi bồi hoàn phần tiền không được thanh toán. Tòa Sơ thẩm Singapore phán quyết rằng APL không được quyền trả hàng cho người nhận hàng đích danh mà không yêu cầu xuất trình vận đơn gốc, do vậy, APL phải bồi hoàn cho Voss. Không đồng ý với quyết định của Tòa Sơ thẩm, APL kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Singapore nhưng Tòa Phúc thẩm vẫn xử y án. Tòa cho rằng nếu các bên có ý định sử dụng giấy gửi hàng đường biển thì lẽ ra đã phải làm như thế. Mặc dù vận đơn đích danh không thể hiện tính có thể chuyển nhượng, nhưng điều này không có nghĩa là các bên có ý định loại bỏ yêu cầu xuất trình vận đơn khi trả hàng. Bằng cách phát hành chứng từ là vận đơn, ắt hẳn các bên đã có ý định giữ lại tất cả các đặc điểm khác của vận đơn, ngoại trừ tính có thể chuyển nhượng. Tòa Phúc Thẩm Singapore kết luận rằng ngay cả đối với vận đơn đích danh, chủ tàu cũng chỉ nên trả hàng khi nhận được vận đơn gốc.
Tương tự vụ tranh chấp APL Co Pte v Voss Peer, Thượng viện Anh (English House of Lords) trong phán quyết liên quan đến vụ The Rafaela S (The “Rafaela S” [2005]1 Lloyd’s Rep. 347) cũng đã giữ nguyên phán quyết của Tòa Phúc thẩm Anh cho rằng việc xuất trình vận đơn đích danh để nhận hàng là cần thiết ngay cả khi vận đơn không quy định như thế.
Trở lại với vụ tranh chấp giữa SH và TK để xem xét phán quyết của Tòa Sơ thẩm có “lạ thường”, trái ngược với luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Về loại vận đơn, Điều 86, khoản 2, Mục a BLHHVN 2005 quy định:”… vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng gọi là vận đơn đích danh”. Điều 89, khoản 3 quy định: “Vận đơn đích danh không được chuyển nhượng; người có tên trong vận đơn đích danh là người nhận hàng hợp pháp.”
Như vậy, phù hợp quy định trên, có thể kết luận rằng vận đơn liên quan đến vụ tranh chấp giữa SH và TK là vận đơn đích danh không được chuyển nhượng bởi vận đơn ghi rõ EPE là người nhận hàng.
Việc nguyên đơn cũng như Tòa Sơ thẩm căn cứ Điều 3.1 mặt sau để khẳng định rằng thực chất vận đơn không phải là vận đơn đích danh mà là vận đơn theo lệnh là không đúng với quy định trên đây của BLHHVN 2005.
Về nghĩa vụ trả hàng, Điều 93 BLHHVN quy định: “Khi tàu biển đến cảng trả hàng, người vận chuyển có nghĩa vụ trả hàng cho người nhận hàng hợp pháp nếu có vận đơn gốc, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận tải khác có giá trị nhận hàng quy định tại Điều 89 của bộ luật này (BLHHVN)”.
Việc người vận chuyển (TK) trả hàng cho người nhận hàng mà không yêu cầu xuất trình vận đơn gốc là không đúng với quy định tại Điều 93 BLHHVN và luật của một số quốc gia như Singapore, Anh, Canada, các nước thuộc bán đảo Scandinavia… cũng như các quốc gia thành viên của Quy tắc Hague-Visby và Quy tắc Rotterdam (chưa thông qua).
Về quyền định đoạt hàng hóa của người gửi hàng, Điều 92 BLHHVN quy định: “Người gửi hàng có quyền định đoạt hàng hóa cho đến khi hàng hóa được trả cho người nhận hàng hợp pháp, nếu chưa giao quyền này cho người khác; có quyền yêu cầu dỡ hàng trước khi tàu biển bắt đầu chuyến đi, thay đổi người nhận hàng hay cảng trả hàng sau khi chuyến đi đã bắt đầu với điều kiện phải bồi thường mọi tổn thất và chi phí liên quan. Người vận chuyển chỉ có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu của người gửi hàng sau khi đã thu lại toàn bộ số vận đơn gốc đã ký phát.”
Căn cứ quy định tại Điều 92 trên đây, nếu SH giao trả lại vận đơn gốcTK và đồng ý thanh toán các chi phí phát sinh thì TK có nghĩa vụ phải thực hiện yêu cầu của SH, tức là, đưa hàng về Việt Nam.
Về xử lý hàng hóa bị lưu giữ, Điều 94, khoản 4 BLHHVN quy định: “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày tàu biển đến cảng trả hàng, nếu không có người nhận số hàng gửi hoặc người nhận hàng không thanh toán hết các khoản nợ hoặc không đưa ra bảo đảm cần thiết thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá số hàng đó để trừ nợ; nếu hàng hóa mau hỏng hoặc việc gửi là quá tốn kém thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá trước thời hạn đó”.
Theo tóm tắt sự kiện, hàng đến cảng Sydney ngày 6/1/2007 và MOL giao hàng cho đại lý của TK vào ngày 14/1/2007 nhưng mãi đến 14/5/2007, tức là, sau hơn 4 tháng (120 ngày) kể từ ngày hàng đến cảng EPE mới đến nhận hàng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao TK không đưa ra quyết định xử lý hàng bị lưu giữ trong kho ngoại quan Sydney trong thời hạn theo quy định của BLHHVN trong khi trước đó ngày 14/4/2007 SH có ra lệnh cho TK đưa hàng về Việt Nam nhưng TK không thực hiện!?
KẾT LUẬN.
Rất tiếc rằng người viết không có điều kiện đọc toàn bộ nội dung quyết định của Tòa Sơ thẩm mà chỉ qua trao đổi và căn cứ vào bài viết của LS Võ Nhật Thăng để đưa ra ý kiến của riêng mình.
Phán quyết của Tòa Sơ thẩm mà LS Võ Nhật Thăng cho là “lạ thường” và trái ngược với luật pháp Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế thực ra không lạ thường và hoàn toàn trái ngược với trái ngược với luật pháp Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Như đã phân tích ở trên, phán quyết của Tòa án Singapore hoặc Thượng viện Anh trong các tranh chấp liên quan đến việc giao hàng theo vận đơn đích danh như vụ APL Co Pte v Voss Peer (APL Co Pte v Voss Peer [2002] SRL 481; [2002] SGCA 41) hay The Rafaela S (The “Rafaela S” [2005]1 Lloyd’s Rep. 347) đều nghiên về quan điểm cho rằng việc xuất trình vận đơn đích danh để nhận hàng là cần thiết ngay cả khi vận đơn không quy định như thế.
Cho dù lý lẽ và các căn cứ mà Tòa Sơ thẩm đưa ra để hậu thuẫn cho quan điểm rằng người vận chuyển thực hiện trả hàng phải yêu cầu xuất trình vận đơn (đích danh) chưa thực sự thuyết phục, nhưng dường như phán quyết của Tòa Sơ thẩm là phù hợp với Điều 93 BLHHVN 2005 và luật pháp của một số quốc gia có ngành hàng hải lâu đời như Anh, Pháp, Singapore, các quốc gia thuộc bán đảo Scandinavia (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan) … cũng như các quốc quốc gia thành viên của Quy tắc Hague – Visby.
Trước khi hoàn thành bài này, người viết đã gửi cho LS Thăng lời bình của các chuyên gia quốc tế liên quan đến vụ tranh chấp giữa SH và TK đăng trên LCM Trade Services Update Volume 13, Issue 3/4, May– August 2011 và được LS Thăng cho biết rằng sau khi Tòa Sơ thẩm ra phán quyết như trên, bị đơn (TK) đã kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm và Tòa Phúc thẩm đã ra phán quyết hủy bỏ phán quyết sơ thẩm của Tòa Sơ thẩm vì trái pháp luật, đồng thời yêu cầu Tòa Sơ Thẩm xét xử lại. Tuy nhiên từ đó hình như vụ việc vẫn treo lơ lửng vì có vẻ như Tòa Sơ Thẩm chưa tìm được một thẩm phán thích hợp có hiểu biết đầy đủ về các vấn đề liên quan trong vụ kiện để xét xử lại.
Hi vọng rằng bài viết này có thể gợi mở cho Tòa Phúc thẩm hướng giải quyết./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Eugene I Low, The Rafaela S – House of Lords Rule on Straight Bill of Lading. www.mayerbrown.com (2005)
2. Gillian Koh, APL Co Pte v Voss Peer [2002] SRL 481; [2002] SGCA 41.www.singaporelaw.sg
3. Nguyen Huu Duc, Straight or ‘To Order’ Bill of Lading, LCM Trade Services Update Volume 13, Issue 3/4, May– August 2011
4. Võ Nhật Thăng, Phán quyết lạ thường về vận đơn. Báo Diễn dàn Doanh nghiệp 2/2009
(Nguồn: Im IM-EXPORT & LOGISTICS - XUẤT NHẬP KHẨU VÀ GIAO NHẬN NGOẠI THƯƠNG)
Hỗ trợ trực tuyến
- Hotline: 0986.000.435
- Phòng chứng từ
- Hotline: 0936.167.466
- Email: hd-sales@hdintertrans.com.vn
- Phòng kinh doanh
Danh mục dịch vụ
- Vận chuyển hàng container (FCL)
- Vận chuyển hàng lẻ (LCL)
- Vận chuyển hàng không (AIR)
- Vận chuyển đường bộ Trung Quốc - Việt Nam
Vận chuyên quốc tế
- Dịch vụ kê khai hải quan
- Dịch vụ tư vấn thủ tục hải quan
- Dịch vụ thông quan hàng hóa
Dịch vụ hải quan
Kiến thức XNK
Công việc của một nhân viên thu...
Danh mục miễn thuế hành lý, quà...
Sự khác nhau giữa ngày DEM và ngày...
Hàng hóa phi mậu dịch - Tờ khai phi...
Phân biệt Master Bill và House Bill
Phân biệt cước Prepaid và cước...
VGM Là Gì? SOLAS là gì?
Điện chuyển tiền T/T
Thống kê truy cập
- Đang online: 1
- Trong ngày: 3
- Tổng lượng truy cập: 71715